Hội họa và điêu khắc gồm có: Tranh dân gian, Hội họa ngày nay, Điêu khắc cổ.
Tranh dân gian: Tranh dân gian gồm hai loại, tranh Tết và tranh Thờ. Tranh dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh. Tranh dân gian thường được in với kỹ thuật khắc ván để in với số lượng lớn. Tranh dân gian phát triển khá mạnh vào thế kỷ thứ 16, sang thế kỷ thứ 18, 19 phát triển ổn định ở mức cao. Dựa vào phong cách nghệ thuật, kỹ thuật in vẽ và nguyên liệu làm tranh, có thể quy về một số dòng tranh khác nhau. Tranh dân gian ngày nay hầu hết đã bị thất truyền. Trong số ít dòng tranh còn tồn tại và được bảo tồn có dòng tranh Đông Hồ được bảo tồn, phát triển và hiện có mặt ở nhiều nước như Nhật, Pháp, Mỹ… Đông Hồ là một làng nhỏ nằm ven bờ nam sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh. Nghệ thuật làm tranh Đông Hồ từ các khâu như vẽ mẫu, khắc bản in, sản xuất giấy, chế biến màu, rồi đến các khâu in vẽ tranh đều có những điểm độc đáo về kỹ thuật, mỹ thuật (màu được chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên; giấy dó làm tranh là loại giấy làm thủ công). Hội họa ngày nay: Việc thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924 là một bước chuyển quan trọng trong phát triển nền nghệ thuật tạo hình đương đại của Việt Nam. Tên tuổi của lớp họa sỹ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với những tác phẩm nổi tiếng được thế giới biết đến như “Phố cổ Hà Nôi” của Bùi Xuân Phái, bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn hay “Thiếu nữ bên hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân, tranh sơn mài “Bên Hồ Gươm” của Nguyễn Gia Trí, tranh sơn mài “Tiễn anh khóa đi thi” của Tô Ngọc Vân. Đây là những kiệt tác nghệ thuật vô giá trong kho tàng văn hóa của Việt Nam. Lớp họa sỹ ngày nay, kế tiếp lớp đàn anh, chú trọng tiếp nhận tinh hoa nghệ thuật thế giới, đồng thời tìm tòi phong cách thể hiện mới cho hội họa Việt Nam như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa... Tên tuổi lớp họa sỹ này được nhiều người biết đến thông qua những tác phẩm của họ là Lưu Công Nhân, Phạm Công Thành, Nguyễn Thụ, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương... đang góp phần làm phong phú thêm kho tàng mỹ thuật đương đại Việt Nam. Điêu khắc cổ: Trong di sản nghệ thuật truyền thống, điêu khắc có một lịch sử phát triển liên tục và cô đúc hình ảnh con người Việt Nam từng miền, từng thời, dù dưới dạng thần linh hay con người thế tục. Nền điêu khắc cổ Việt Nam rất đa dạng nhưng chủ yếu tồn tại các bộ phận điêu khắc sau: Điêu khắc thời tiền sử với những hình điêu khắc trên đá, trong hang động, trên trống đồng, các đồ gia dụng…; điêu khắc vương quốc Phù Nam và Chân Lạp ở Nam Bộ; điêu khắc Chăm Pa ở Trung Nam Bộ; điêu khắc Đại Việt ở Bắc Bộ; điêu khắc nhà mồ của thổ dân Tây Nguyên. Mặc dù trải qua bao năm tháng chiến tranh, nhưng hiện nay ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam vẫn bảo tồn được nhiều đình, chùa miếu mạo với nhiều tượng Phật và các phù điêu.
Chưa có nhận xét
CÔNG TY TNHH MỸ THUẬT TRÍ VIỆT
Địa chỉ: 30 Ngõ Chùa Mỹ Quang, phố Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội
E-mail: leducquang20@gmail.com - Website: www.dieukhactriviet.com
Hotline: 0787-627-313, 0354-886-286
© 2016 Bản quyền thuộc TriVietArt. Tất cả các quyền được bảo hộ